Tiên tri" hay "Ngôn sứ "?
Kính gửi cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ,
Giáo sư Phụng vụ Đại Chủng viện Thánh Giuse.
Thưa cha, nhân đọc bài “vài suy nghĩ về bản dịch mới 2005, Nghi thức Thánh lễ” do cha viết, đăng trong Bài Giảng Chúa Nhật số 7 và số 8 năm 2006, con xin gửi đến cha một chia sẻ chân tình về nhận định của cha trong bài viết khi đề cập đến từ “propheta” ở trang 120, số 8 – 2006 (trong bài viết của cha cả 3 lần đều viết là: “prophetas”?). Cha và con đã biết nhau rồi nên con khỏi phải tự giới thiệu. Sở dĩ con lưu tâm đến từ này vì rất thường gặp khi dạy giáo lý, đặc biệt khi trình bày về lịch sử cứu độ mà vai trò của những “propheta” (lt) hoặc “prophetes” (hl) rất quan trọng.
“Propheta”(lt) trong kinh Tin kính.
Đối với đại đa số giáo dân, khi đọc kinh Tin kính đến phần tuyên xưng về Chúa Thánh Thần trước sau vẫn đọc: "Người đã dùng các “tiên tri” mà phán dạy". Từ “tiên tri” là từ rất thông dụng ít là cho đến đầu thập niên 70. Sau này xuất hiện từ "ngôn sứ". Vì thế, bản dịch sách lễ Rôma 1992 đã dùng từ "ngôn sứ" trong câu tuyên xưng trên, nhưng vì không có lệnh bắt buộc phải đọc nên mọi người vẫn đọc là "tiên tri" . Đây cũng là một thuận lợi cho bản dịch sách lễ Rôma năm 2005 khi muốn gạt bỏ từ "ngôn sứ" để dùng lại từ "tiên tri" của bản dịch năm 1971! Sau đây, con xin nói lên một suy nghĩ của riêng mình.
1. Từ "tiên tri" .
Khi tìm hiểu nguồn gốc của từ "tiên tri" , con được biết gốc của nó trong tiếng Hipri là “Nabi" (נָ בִיא), người được Thiên Chúa gọi, người được đề cử để nói. Nghĩa của từ này không bao hàm sự biết trước tương lai. Bản Kinh Thánh Hi Lạp (LXX) đã dùng danh từ Prophetes (προφήτης) để dịch từ Nabi. Từ prophetes gồm có giới từ προ không chỉ có nghĩa thời gian mà còn có nghĩa không gian (phía trước, đằng trước) và động từ φημι có nghĩa là nói (dire), quả quyết (affirmer), khuyên nhủ, răn bảo (conseiller), ra lệnh (commander) (Lexique Grec-Français, trang 500). Vì thế, các từ điển KT đều giải thích từ prophetes là người nói đàng trước, nói phía trước, nghĩa là nói nhân danh, nói thay một ai đó. Trong Kinh Thánh, những prophetes là những phát ngôn nhân, mang lời Thiên Chúa đến cho dân. Các Ngài ít có những lời tiên báo nhưng nhiều lời giảng dạy, răn đe, quở trách, khuyên nhủ dân Chúa. Từ "tiên tri" làm sao diễn tả được đầy đủ các nghĩa trên? Không biết cha dựa vào đâu để cho rằng từ tiên tri trong từ điển Trung hoa, mang nhiều ý nghĩa: nói trước, nói tiên tri, nói thay ai, nói nhân danh ai. Con đã vào nhà sách, các thư viện, lục rất nhiều các từ điển tiếng Hoa cũng như từ điển Hán Việt của các tác giả: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Khôn, Thanh Nghị, Bửu Kế, Thiều Chửu, Lê Văn Đức, Khổng Đức Long Cương, Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục, Viện Ngôn Ngữ Học,…thì từ 先 知 (xiānzhi) "tiên tri" , chỉ có nghĩa là người biết trước tương lai, nói về những điều sẽ xảy ra. Nhưng không hề có hai nghĩa sau như cha nói ở trên.
2. Từ "ngôn sứ".
Còn từ “ngôn sứ”, có người cho rằng không có trong cách nói của người Trung Hoa, nhận định đó đúng hay sai xin dành cho những nhà ngôn ngữ học. Còn theo con, từ “ngôn sứ” trong tiếng Hoa gồm từ “ngôn” 言(yán) có bộ khẩu 口 là lời nói, nói; từ “sứ” 使(shĭ) gồm bộ nhân亻và bộ lại 吏, nghĩa là người vâng lệnh trên đi làm một việc gì. Con không biết từ "ngôn sứ" do đâu mà có, nhưng từ thập niên 70 đã xuất hiện từ này trong các sách thần học như "Điển ngữ thần học Kinh Thánh" của Giáo Hoàng học viện Piô X Đà lạt in năm 1974, quyển III trang 435, có điều lại đổi thứ tự 2 chữ: “sứ ngôn”; nhưng phân tích rõ ràng, đầy đủ về sứ mạng của những người được gọi là "ngôn sứ" dựa trên những đoạn Kinh Thánh. Một tài liệu giá trị nữa là bộ Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng do phân khoa thần học GHHV Piô X-1972 trong phần phân tích mục lục trang 1184 nói về từ "ngôn sứ", con xin trích nguyên văn: "Từ "ngôn sứ" được dùng thay cho từ "tiên tri" để chỉ một người được Thiên Chúa kêu gọi, được đặt làm sứ giả chuyển "Lời" của Chúa cho người khác, giải thích Sứ điệp của Thiên Chúa cho con người, đồng thời kêu gọi con người trung thành với giao ước, an ủi con người trong cuộc lưu đày đau khổ cũng như chuyển lời cầu xin của con người lên Thiên Chúa . Đó là nhiệm vụ đích thực mà từ ngữ "tiên tri" không diễn tả hết được".
Sau cùng, khi soạn bài để dạy giáo lý, con dùng nhiều tài liệu giáo lý của nhiều giáo phận: Xuân Lộc-Nha Trang- Cần Thơ, nhất là cuốn giáo lý Hội Thánh Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tp. HCM 1997, sách giáo lý của cha Nguyễn Văn Tuyên, cha Hoàng Sỹ Quý dòng Tên, rồi Bộ Giáo Luật Bản dịch Việt ngữ của Ðức Ông Phương, Đức Ông Vinh và một số Linh mục ở Rôma đã dùng từ “ngôn sứ” hoặc "sứ ngôn" (điều 204) và nhiều sách, tạp chí, cours học của các tu sĩ, các tài liệu tham khảo tất cả đều dùng từ "ngôn sứ". Và bản Kinh Thánh do nhóm CGKPV đã có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm cũng dùng từ "ngôn sứ". Ngoài ra, các tác phẩm của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng dùng từ ngôn sứ. Vậy mà, chỉ qua một cuộc “thảo luận sôi nổi” và “bỏ phiếu” UBPT đã gạt bỏ một từ phong phú và đúng đắn như vậy để dùng một từ cũ kỹ mà nội dung không diễn đạt hết ơn gọi và sứ mạng của những vị gọi là prophetes. Cha cũng cho biết theo cha Tổng Thư Ký UBPT đa số các giáo phận đã gửi đề nghị giữ từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ” nữa, theo con điều này không đáng tin. Danh sách các thành viên trong uỷ ban không tạo cho con sự tin tưởng so với những chứng cứ con nêu ở trên vì con biết khá nhiều về những vị này. À con cũng quên chưa nhắc đến một vị rất có uy tín và khả năng chuyên môn cao về Kinh Thánh hiện nay là cha Vũ Phan Long, OFM mà trong những giáo trình cũng như những bài viết ở báo Hiệp Thông cho đến nay vẫn dùng từ “ngôn sứ”. Sau cùng, như để làm cho việc dùng lại từ “tiên tri” của UB có cơ sở, cha đưa ra một “ghi nhận đáng kể là bản dịch Phụng vụ 1971 và vài nhà Kinh Thánh danh tiếng như cha Nguyễn Thế Thuấn và cha Trần Đức Huân… đã dùng từ “tiên tri” mà không dùng từ “ngôn sứ” (nguyên văn).Điều này không thuyết phục vì hai lý do:
a) Vào thời điểm đó chưa có từ “ngôn sứ”.
b) Những bản dịch cũ chỉ có tính cách tham khảo để giúp bản dịch mới hoàn hảo hơn, chứ không luôn luôn là tiêu chuẩn để bản mới phải theo. Con xin lấy ví dụ bản dịch của cha Trần Đức Huân có một câu trong Tin Mừng Gioan1,1: θεός hh8h8hh8hçoỏhv o λόγος, nhưng chắc hẳn ngài đã theo bản La tinh: Deus erat Verbum, vì không có mạo từ nên ngài dịch “Thiên Chúa là Ngôi Lời” mà lẽ ra phải dịch: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” vì trong câu Hy Lạp có mạo từ nên λόγος là chủ ngữ trong câu. Còn bản dịch của cha N.T.Thuấn trong sách Habacuc 2,16 có một từ: עָרֵל (con không tiện viết ra ở đây), thử hỏi có ai dám dùng lại từ đó cho bản dịch mới không? Cha lấy những bản văn cách đây gần nửa thế kỷ để làm tiêu chuẩn thì làm sao có sức thuyết phục.
Con tìm trong nhà mình xem có sách vở tài liệu nào còn dùng từ "tiên tri" để chỉ những prophetes, thì tình cờ con thấy một băng video ca nhạc thiếu nhi do nhà văn hóa thiếu nhi Tp. phát hành cách nay gần 10 năm, của đứa con trai con, có một bài hát rất vui nhộn với những hình ảnh minh họa: “Kìa năm ông "tiên tri" đi xem voi...” bài hát diễn tả năm ông mù xem voi, mỗi ông rờ một bộ phận, cũng tranh luận sôi nổi rồi đoán con voi là như thế! Ông nào cũng cho mình là đúng rốt cuộc cả 5 đều nói trật lất, chắc hẳn tác giả bài hát đã muốn dùng từ “tiên tri” để chỉ những người hay nói mò!!! dù sao thì từ "tiên tri" cũng dễ làm người ta liên tưởng đến những ông thầy bói, thầy chiêm tinh, tướng số ...
3. Dùng từ “tiên tri” hay “ngôn sứ” ?
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền đạt tư tưởng có tính quy ước và tương đối. Theo con, cả hai từ “tiên tri” và “ngôn sứ” vẫn nên được sử dụng tuỳ theo trường hợp. Từ “ngôn sứ” để chỉ một người được Chúa giao cho sứ mạng phục vụ dân Chúa bằng lời giảng dạy, truyền đạt lời Chúa cho dân, đôi lúc có cả những lời quở trách, răn đe, cũng có lúc “nói tiên tri” về những điều sẽ xảy đến. Từ “tiên tri” chỉ một ơn huệ, một khả năng Thiên Chúa ban cho một người để loan báo một điều nào đó sẽ xảy đến theo ý định của Thiên Chúa, như trường hợp Thượng tế Caipha đã nói một lời tiên tri về cái chết của Chúa Giêsu sẽ quy tụ con cái Thiên Chúa (x. Ga 11,50-51) và theo Thánh Phaolô, ơn tiên tri cũng chỉ có ngần có hạn (x. 1Cr 13,9). Đôi lúc, trong một câu cần sử dụng cả 2 từ thì cách diễn tả mới rõ ràng như 1Cr 14,32: “ngôn sứ thì làm chủ những cảm hứng tiên tri của mình”.
Thưa cha, trong bài viết cha đưa ra một lý do mà UB không dùng từ “ngôn sứ” vì người Trung Hoa không hiểu cách ghép từ này, con xin phép hỏi UB dịch Phụng vụ cho người Việt Nam hay người Trung Hoa. Tiếng Việt của mình chịu ảnh hưởng của nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là Trung Hoa. Việc tạo từ mới để làm cho cách diễn tả được phong phú miễn là cách tạo từ hợp lý và được nhiều người chấp nhận. Xin hỏi cha có từ điển tiếng Hán nào có chữ bí tích không? Hay là ta phải ghép hai từ bí 秘 và tích 迹 và còn nhiều từ nữa như huấn giáo, linh mục, Phụng vụ, dự tòng…có tác giả còn ghép một tiếng Nôm với một tiếng Hán như từ “nhiệm tích” mà có ai phản đối đâu mặc dù cách ghép đó không hợp lý. Con hy vọng Giáo Hội Viêt Nam sớm có một cuốn từ điển đầy đủ, chính xác và khách quan về các từ thần học cũng như Phụng vụ, để kho tàng ngôn ngữ nhà đạo được phong phú. Theo con nhận thấy, Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam rất nhiều tu sĩ, linh mục dòng cũng như triều, có khả năng và trí tuệ trong mọi lãnh vực thần học, Kinh Thánh, mục vụ … vị nào cũng được học đến nơi đến chốn, bằng cấp giá trị. Nếu như biết đón nhận nhau, biết nhìn nhận giá trị của nhau để đi đến hiệp nhất trong những khác biệt, thì ích lợi biết bao, dân Chúa được hưởng những tinh hoa của sự hiệp nhất ấy, nhưng thực tế, ai cũng cho mình là đúng, công khai hoặc ngấm ngầm chê bai để hạ uy tín của nhau bằng cách này cách khác. Lời nói sơ suất vô tình hay hữu ý của những người có tài năng, có chức vị càng cao sẽ gây tai hoạ càng nhiều.
Đôi lời tâm sự.
Thưa cha, con mong rằng lá thư này không làm mất đi tương quan của cha và con, cho dù tương quan ấy chẳng được mặn mà lắm, vì cha biết đấy, thỉnh thoảng con vẫn nhờ cha chỉ dẫn những điều con chưa nắm vững về phụng vụ khi soạn bài dạy giáo lý, vì hiện nay trong các linh mục trẻ có ai hơn cha về lãnh vực Phụng vụ đâu, con vẫn phải tham khảo sách của cha để soạn bài. Con còn một tâm sự muốn chia sẻ với cha, là ngoài bài của cha, con cũng đọc bài của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, chủ tịch UBPT trong báo Hiệp Thông và tập san Công Giáo Dân Tộc, con nhận thấy bài trả lời phỏng vấn của ngài, cũng cùng một kiểu nói như cha, nghĩa là luôn để cao những việc làm của UBPT là đúng, là hay, là siêu việt, trong sáng, thỉnh thoảng lại chen vào những câu nhắc nhở cho độc giả thấy cái quyền của mình. Con không dám bàn luận nhiều, chỉ xin nhận xét vài điểm này. Đọc phần cuối bài của Đức Cha, lúc đầu con thấy vui vì nhận thấy tâm tình của Đức Cha sao mà gần gũi với mình thế, ngài vui vì thấy sách bán chạy, hết sớm, con làm nghề sách cũng vui vì làm được nhiều, kinh tế ổn định … nhưng bỗng thấy buồn vì hình ảnh vị mục tử vui vì bán được nhiều sách khá mới mẻ, không hề có trong Tin Mừng. Trong Tin Mừng con chỉ thấy hình ảnh vị mục tử vui vì tìm được con chiên lạc, dù phải hy sinh mạo hiểm, vui vì thấy đoàn chiên của mình trưởng thành được no đủ với những thức ăn bổ dưỡng. Ngày nay, chẳng còn thấy hình ảnh đẹp và cảm động của một Inhaxiô Antiôkhia, Giám mục tử đạo viết thư cho Pôlycap cũng là Giám mục với lời lẽ chân thành, khen ngợi có, khuyến khích có, cũng không ngại nhắc nhở. Ngài viết trong thư rằng: “Xin Đức Cha chứng tỏ mình là Giám mục bằng cách xả thân lo lắng cho đoàn chiên. Mối bận tâm hàng đầu của Đức cha phải là sự hiệp nhất… Xin Đức cha hãy lấy lòng bác ái mà nhẫn nhục chịu đựng mọi người như Đức cha vẫn làm, vất vả càng nhiều, công phúc càng lớn… Nếu Đức cha chỉ yêu thương các môn đệ tốt lành thì Đức cha chẳng đáng được công trạng gì. Tốt hơn Đức cha hãy lấy đức hiền hoà mà cảm hoá những kẻ hư hỏng nhất. Người ta không băng bó mọi vết thương như nhau. Đức cha hãy lấy sự dịu dàng như nước mà hạ nhiệt những cơn nóng nảy. Đức cha phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu…” (Trích trong bài đọc 2, KS thứ sáu, tuần XVII TN). Ngày nay, các Đấng thường nể nhau, sợ mất lòng nhau, nên thường chỉ ca tụng nhau, chứ không dám thẳng thắn góp ý để xây dựng. Con nói lên những suy nghĩ thật lòng mà không sợ mang tiếng là hỗn, còn các Đấng muốn la rầy con thế nào thì tuỳ. Vì từ cổ chí kim yêu nên tốt ghét nên xấu như câu chuyện Di Tử Hà khi còn được vua sủng ái, việc tự tiện lấy xe của vua để đưa mẹ đi chữa bệnh, thay vì phải bị chặt chân theo phép nước, nhưng vua lại khen đó là người có hiếu. Một lần khác cùng vua đi dạo trong vườn, đang ăn quả đào thấy ngon còn một nửa bèn đưa cho vua, vua khen là một trung thần yêu vua đến độ của ăn đang ngon miệng mà biết nhường vua. Đến sau, vua không còn sủng ái nữa, Di Tử Hà một hôm phạm lỗi, vua nhắc lại cả lỗi cũ là dám tự tiện lấy xe và dám cho vua ăn của thừa, vì thế bị mang ra trị tội (Cổ học tinh hoa).
Đoạn cuối trong bài trả lời phỏng vấn, còn có một câu: “Đừng áp đặt ý kiến và cách thức làm việc của mình lên đầu lên cổ người khác, bắt người khác phải làm theo rồi nếu không được thì la làng lên!”. Ôi, một Giám mục, thầy dạy chân lý mà lại có kiểu nói gay gắt như vậy ư, chẳng dịu dàng chút nào, có lẽ ngài đang bức xúc một vấn đề gì đó mà không tiện nói ra một cách thẳng thắn. Con chỉ buồn mà nói vậy thôi, chứ không dám coi thường ngài đâu, con nhớ một câu của ĐHY Thuận trong cuốn đường hy vọng: “dưới lớp áo nào cũng là một trái tim bằng thịt”, và trong lá thư của Thánh Inhaxiô gửi Thánh Pôlycap cũng có câu: “Vì Đức cha cũng là con người có hồn có xác như ai”. Vì thế, mọi tín hữu phải cầu nguyện cho các Giám mục nhiều hơn nữa và cảm thông với các ngài về những bất toàn. Khổ nỗi giáo dân Việt Nam luôn coi các Đấng như thần thánh, làm cho các ngài cũng thấy mình như bất khả xâm phạm. Người ta phạm đủ thứ tội với Chúa thì không cảm thấy nặng nề, đối xử bất công với nhau thì thấy bình thường, nhưng ai tỏ ra bất kính với các Đấng, dù là một điều nhỏ nhặt thì cũng bị lên án. Một thanh niên uống rượu thì bị coi là bê tha, nhưng một linh mục uống rượu be bét, nói năng lung tung thì được coi là chịu chơi, biết hoà đồng với mọi người. Một giáo dân xưng hô với linh mục là cha xưng “tôi”, thì bị cho là bất lịch sự, là hỗn, nhưng linh mục gọi người khác là mày xưng tao, thì lại thấy bình thường, điều này con đã từng mắt thấy tai nghe.
Thưa cha, con nói miên man nhiều chuyện chắc cũng làm cha bực mình, và biết rằng những điều mình nói chẳng được các Đấng quan tâm đâu, nhưng trong lòng con vẫn có sự thúc giục phải nói lên những điều mình suy nghĩ. Con luôn ao ước rằng sau một thời gian với những góp ý, phê bình, tranh chấp, kể cả những bất hoà sẽ đưa Giáo Hội Việt Nam đến chỗ trưởng thành hơn, yêu thương và quý trọng nhau hơn để dù ở trong cương vị nào, lãnh vực nào vẫn có một sự hiệp thông và cảm mến nhau. Kính chúc cha luôn dồi dào sức khoẻ, giữ mãi được nét tươi trẻ và đầy hăng say trong sứ mạng xây dựng Hội Thánh. Chào cha.
An Lạc, ngày 28 tháng 7 năm 2006
Phêrô Nguyễn Tuấn Hoan